THIỀN VIỆN VẠN HẠNH VIRGINA
Thiền viện Vạn Hạnh là địa điểm Phật giáo thứ hai mà tôi có dịp viếng thăm sau tịnh xá Hương Thiền (sẽ chia sẻ với các bạn trong bài khác). Thiền viện là một khu đất rất rộng có nhiều nhà mát xung quanh, tôi đoán là nơi để khi có khóa tu, các nhà mát đó sẽ được dùng làm nơi pháp đàm cho các khóa sinh. Bước vào chính điện thiền viện có đức Phật bà quan âm toa trên liên hoa đài ngay chính giữa, tay phải cầm bình tịnh thủy, tay trái cầm một nhành dương liễu, khi tôi lễ lạy xong, đứng gần lại chiêm ngưỡng Phật bà, tôi thấy bà như mỉm cười vậy. Cách phía sau bà một khoảng, trên cao kia là đức Thích Ca cùng các vị Bồ Tát, trên tường phía sau là ảnh tượng của Đức Di Đà. Hai bên chính điện là đức địa tạng và đức Quán Thế Âm đứng trên tòa sen. Chánh điện được trải thảm êm ru, và máy điều hòa mát rượi. Tôi nghĩ ngay đến các em, các em mà được lễ Phật ở điện Phật này chắc là sẽ thích lắm đây vì rất là thoải mái, lạy Phật rất tốt và quỳ lâu sẽ hông bị đau chân.
Chúng tôi đến Vạn Hạnh vào buổi chiều tắt nắng, những cơn gió thu nhè nhẹ thổi, bước chân đi nghe xào xạc lá rơi. Má tôi nói chùa này lần nào đến cũng hông thấy có người (ý là có thầy hoặc có ai đó đi xung quanh, không cần phải ra tiếp đón khách viếng chùa cũng được mà cũng chẳng thấy ai). Tôi nghĩ chắc chùa muốn tạo sự tự nhiên và cả tự do cho khách thập phương tự đến lễ bái cúng dường, mà chắc là chùa có camera, chứ chùa này mà ở nơi khác hoặc không lắp máy quay phim, chắc không khéo sẽ bị mất chuông hay đèn quá! Nói đùa chút thôi, chứ xứ này ít có kiểu “cầm nhầm” như vậy.
Đúng là thiền viện, bước vào bên trong chánh điện là đã thấy một không khí thiền. Không có tiếng nhạc du dương nhưng không gian yên ắng và cách bày trí tượng Phật không cao quá trên bệ thờ làm người ta có cảm giác như Phật, Bồ tát ngồi thiền với mình. Có thể dự một buổi tham thiền ở đây chắc là sẽ được lợi lạc rất nhiều. Bên ngoài chùa cảnh trí cũng rất đẹp, có tượng đức Thích Ca nằm lúc nhập diệt, có bồ tát giữa một hồ sen nhiều lá vì chắc hông phải mùa nên chẳng thấy sen nở là bao, nhưng hoa, hoa vàng nở rộ, sao nhái, và những hoa dại, những bông hoa khác tôi không biết tên gì nhưng da số đều màu vàng, sắc độ vàng khác nhau, có màu vàng của hoa cải, vàng của cúc và vàng đậm của sao nhái, có tượng đức Thích Ca đản sinh, có đức Di Lạc với sáu chú tiểu ngồi ngay bên ngoài phía trước chánh điện, bên cạnh những nhà mát dành cho những buổi trao đổi Phật Pháp hoặc trà đàm, cũng có thể là quá đường nữa, nhà mát này nhiều công dụng thật. Tôi thì cứ nghĩ đến việc cho mỗi bậc học trong cái nhà mát này, chắc hẳn là các em sẽ thích lắm, có bàn ghề ngồi viết đàng hoàng, không phải ngồi đất hoặc bò ra trên nền gạch hoặc kê tập lên đùi để viết. Thiền viện có sân rất rộng, tượng Phật bên ngoài rất to nhưng chỉ duy một màu trắng không sơn màu gì khác, ngoại trừ đức Quan Thánh Đế Quân đứng ngay bên cạnh hòn non bộ (điểm nổi bật của tiểu cảnh này là đức Quan Âm đứng đó tay cầm bình nước cam lồ và cánh dương liễu), còn lại các bức tượng kia chỉ có trắng một màu. Điều này làm cho thiền viện có nét gì đó đặc biệt. Tên thiền viện được khắc theo dấu tròn nhưng không hiểu sao mất chứ V. Thành ra đọc thành An Hanh. Má tôi không nhớ tên chùa, nhớ tượng Phật trong chánh điện đều được sơn màu vàng, cứ gọi là chùa Phật Vàng!
Chùa Phật Vàng có lời Phật dạy trên những tấm bia đá xung quanh chùa. Mời các bạn xem những hình đính kèm, qua đó, chúng ta cũng học thêm lời Phật bằng tiếng Anh, thật là một sự lợi lạc cộng thêm. Bạn nào muốn biết thông tin chi tiết về thiền viện, vui lòng truy cập: www.vanhanhcenter.com, trung tâm thiền học Phật giáo bang Virgina, Hoa Kỳ.
-Hạt cà phê ở Ashburn