THÁNG BẢY ÂM LỊCH – NHỮNG CUỘC GẶP GỠ VÀ HOA

THÁNG BẢY ÂM LỊCH – NHỮNG CUỘC GẶP GỠ VÀ HOA

Ngày mồng bảy tháng bảy là ngày ngưu lang chức nữ gặp nhau, ngày rằm tháng bảy là ngày Mục Kiền Liên gặp mẹ, chứng kiến bà siêu thăng lên cõi Niết Bàn. Tháng bảy có hai cuộc gặp gỡ, một là về một mối tơ duyên mỗi năm hội ngộ một lần trên cầu Ô Thước, một đoạn tình duyên nổi tiếng của đôi lứa yêu mà không được ở bên nhau; hai là cuộc tương kiến của ngài Mục Kiền Liên với mẹ, khác với nước mắt của nỗi mừng vui khi được nhìn thấy người yêu của Ngưu Lang – Chức Nữ, đứa con trai Mục Kiền Liên khóc ròng khi thấy mẹ mình bị đoạ đày thê thảm ở địa ngục vô gián, nước mắt khóc thương đấng sinh thành vì sao nên nỗi, tay chân bị xiềng xích, đói ăn, người con với pháp lực của mình hoá hiện một bát cơm cho mẹ, “nhưng than ôi! Cơm hoá than”, vì tính tham lam của Thanh Đề cho đến khi chết vẫn còn nên Bồ tát Mục Kiền Liên không độ được bà, mặc dù bà là mẹ ruột, là người thân của ngài. Ngài Mục Kiền Liên phải cầu cứu Phật, “lạy Phật, ngài ban ơn lành cứu độ chúng sinh”, chúng sinh đó là mẹ của con đây. Vì lời khẩn cầu chân thành tha thiết và đức hạnh của ngài Mục Kiền Liên, đức Phật đã chỉ cho ngài Mục Kiền Liên phương pháp hoá độ vong nhân, và nhờ vậy mà bà Thanh Đề được siêu thăng lên cõi Phật, từ đó, lập nên tập tục cúng rằm tháng bảy để siêu độ “những vong linh vất vưởng trong cõi giới u huyền”.

Người ta cúng rằm tháng bảy Vu Lan, người ta cũng cúng Ngưu Lang – Chức Nữ, người ta cúng cô hồn – dã quỹ vào bất cứ ngày nào của tháng bảy không nhất thiết là ngày 15 (ngày rằm) và người ta thường ăn chay nguyên tháng bảy để không sát sanh, không gián tiếp tạo thêm “cô hồn” vào tháng “cô hồn”.

Tháng bảy âm lịch, bị cái gì xui xui thì lại hay đổ lỗi, tại tháng bảy – tháng “cô hồn” mà! Này tháng bảy mà nó biết nói, nó sẽ nói: “tui là tháng thứ bảy của năm theo vòng xoay tuần hoàn của mặt trăng mà đến, không cẩn thận rồi đổ lỗi cho tui, là sao?!” Cho nên đừng có dị đoan quá nghen bạn! Chuyện gì cũng do người-do con người trước đã hồi hãy trách tới thiên nhiên. Nếu mình không đào đất, chặt cây thì khi lũ tới, nước đâu chạy xuống nhà mình nhanh vậy?!

Tháng bảy, bởi vì có sự kiện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ, nên chúng ta có lễ cài hoa hồng: hoa hồng màu đỏ và hoa hồng màu trắng, bởi vì từ đồng âm “hồng” nên nhiều khi người ta cứ nghĩ hoa hồng là hoa hồng màu hồng thôi, có nơi mình thấy chuẩn bị hoa hồng hồng thật đấy! Đằng sau đoá hoa ấy là một “family status” hay “parents status” gia cảnh, tình trạng cha mẹ của bạn: còn cha- mất mẹ, còn mẹ-mất cha, mất cả cha lẫn mẹ, những sự mất mát người thân ruột thịt duy nhất trên đời.

Thông thường khi mẹ bạn không còn thì bạn được cài hoa hồng trắng, còn khi mẹ bạn còn (sống) thì bạn sẽ được cài hoa hồng đỏ. Thi thoảng mình thấy trên áo các thầy được cài hoa hồng vàng, hỏi ra thì được biết là thầy mới mất mẹ nhưng còn cha, ngày nhỏ nghe lý do vậy thì cũng không biết để mà thắc mắc gì nhiều. Ngày lớn tự nhiên sao thấy, cũng hoa hồng mà người ta cài đủ thứ màu, thấy như hoa ấy mất đi vẻ thiêng liêng của nó! Sao không cứ đơn giản đỏ và trắng # còn và mất?!

Ngày nhỏ, vì không chen chân được với người ta (lúc đó chưa đi sinh hoạt Gia đinh Phật tử) mà mình không được cài hoa hồng vì người ta giành cài hết rồi, buồn tiu nghỉu ra về. Ngày lớn, nghĩ đến việc ấy thấy buồn cười, thật đúng là trẻ con mà! Ngày lớn, đi sinh hoạt Gia đinh Phật tử, chuẩn bị và là người đi cài hoa hồng cho người khác, thì không sợ gì thiếu hoa hồng nữa, mà sẵn sàng gỡ ra nếu ai đến muộn mà mình chẳng còn hoa cài cho Phật tử đó, thì mình sẽ sẵn sàng gỡ xuống để cài cho bạn, cho bạn niềm vui, hãnh diện và nụ cười hạnh phúc khi được cài lên đoá hoa hồng. Còn với mình, đoá hoa hồng ấy không còn quan trong bằng đoá hoa hồng trong bếp nấu cơm, nấu nước hàng ngày, nhìn đoá hồng tóc muối tiêu và cánh hoa héo rũ, đó là đoá hồng mình muốn nhìn thấy nhất, là đoá hồng mình muốn ở bên nhiều nhất.

Hoa trong mùa Vu Lan là hoa hồng, sắc màu của nó để cho biết bạn mồ côi mẹ hay mẹ bạn còn sống với bạn, hoa hồng đỏ và hoa hồng trắng. Đơn giản (và tối giản) vậy thôi nha! Còn nếu hết hoa, hãy đi mua một bó, không đủ tiền thì mua một cành hoa hồng về tặng mẹ, còn không có tiền nữa, xếp cái khăn giấy thành hoa hồng cho mẹ! Siêng thì dùng bút lông màu đỏ tô lên. Tôi đảm bảo mẹ bạn sẽ rất vui khi nhận được đoá hồng độc nhất vô nhị từ tấm lòng con cái…

Điểm qua mười hai tháng âm lịch của năm thì hình như tháng bảy âm lịch có những cuộc gặp gỡ quyến luyến thương thương đặc biệt như vậy và hoa hồng ngẫu nhiên được quan tâm nổi trội nhiều hơn các loại hoa khác vì ý nghĩa biểu trưng của nó. Do đó, xin hãy làm chút gì đó khác biệt trong tháng bảy âm lịch này: hãy thể hiện sự yêu thương với người thân, với người xa lạ, với tha nhân và với chính bản thân mình so với những tháng khác; xin tặng bạn một cành hoa hồng và mong bạn đừng quan tâm nó màu gì, bởi vì hoa chỉ là hoa!

Kỷ niệm mùa Vu Lan 2024 – PL2568
Diệu Hoàng (Virginia)