DÒNG NHẠC TỈNH THỨC – Diệu Hoàng

DÒNG NHẠC TỈNH THỨC – Diệu Hoàng

Một lần nghe chương trình Dòng Nhạc Tỉnh Thức của nghệ sỹ Ngọc Huyền, tôi chợt nghĩ: hóa ra con người bữa giờ mê muội nên cần một dòng nhạc “tỉnh thức”?! Nghe má nói hình như nghệ sĩ Thanh Tuyền, má chồng của nghệ sĩ Ngọc Huyền kể bà hay tụng kinh Pháp Hoa và thấy sự mầu nhiệm của nó. Trong một lần phỏng vấn trên đài truyền hình, Ngọc Huyền đã nói má chồng kể lại sự mầu nhiệm gặp Phật cho khán giả nghe, nhưng Khánh Ly từ chối, bà bảo rằng sự việc đó không thể kể được. Đúng là vậy, sự chứng ngộ của mỗi người thì cần phải tự mình mà trải nghiệm, không thể kể được bằng lời hay diễn đạt qua từng câu chữ, chỉ có cái thực chứng của mỗi người mới có thể cảm thấu hết được. Chắc chắn rằng những ai có tu tập Phật pháp đều sẽ tán thành với nhận định này.

Tôi không rõ vì sao Ngọc Huyền “chạy” chương trình Dòng Nhạc Tỉnh Thức, chắc là vì cô có người má chồng rất tin yêu đạo, có lẽ cô cũng là một Phật tử. Chương trình phát sóng vào thứ mấy hàng tuần và mấy giờ, tôi không để ý, thấy má tôi mở coi thì tôi coi theo. Hôm bữa coi có nghe được bài hát An Lạc của anh Tuệ Kiên do ca sĩ Minh Trí hát, tôi nghe mà thấy anh huynh trưởng nhà mình hát hay hơn. Tôi nói với má, anh huynh trưởng trong chùa hát hay hơn, giống như người ta có “chất” Phật nên ca thấy nó đạt hơn là ca sĩ này. Ca sĩ họ hát chỉ là cái biết của họ và cái kỹ năng. Anh huynh trưởng Gia đình Phật tử thì có năng khiếu, có luyện thêm với nhạc sĩ và có tu học Phật pháp nên ca chắc chắn sẽ đi vào lòng Phật tử hơn là anh ca sĩ nọ. Tôi nghĩ vậy và chẳng những thế, người áo lam nào ca mấy bài hát Phật pháp thì cũng hay hơn những ca sĩ ngoài đời. bạn có thấy vậy hông? Hãy tự trải nghiệm xem tôi nói có đúng hông nhé!

Trở lại với Dòng Nhạc Tỉnh Thức, nhạc có nhiều dòng nhạc: nhạc cho thiếu nhi, nhạc cho thanh niên, nhạc cho đội lứa, nhạc cho tuổi trung niên, đa số đều mang nội dung vui tươi hoặc buồn sầu, chán nản. Các trạng thái tâm rõ rệt. Tuy nhiên, có cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông phần nào đã tạo nên một dòng nhạc riêng, chưa thể gọi là “tỉnh thức”, nhưng cũng làm con người suy nghĩ về kiếp nhân sinh về “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi” về “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” hay “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, “mệt” đến một ngày nọ, nhạc sĩ thốt lên:”mệt quá thân ta này, nằm xuống dưới đất muôn đời”. Sau đó là Trần Tiến, ông băn khoăn “làm sao vẽ cánh hoa đêm không màu?”, cũng như người học Phật làm sao lĩnh hội được chân lý tánh Không?!

Anh Tuệ Kiên cũng là nhạc sĩ, có lần tôi nhận được tuyển tập nhạc của anh do anh huynh trưởng hát bài An Lạc tặng, không phải vì anh cho tôi tập nhạc mà tôi khen ảnh hát hay, ảnh hát trong ban văn nghệ chúng tôi thì ảnh hát tốt nhất rồi, với tôi như vậy là hay, không cần phải so với các giọng ca đạt giải Ka-Lăng-Tầng-Già (1) vừa rồi J Tôi có xem qua quyển tập nhạc, anh Tuệ Kiên viết rất nhiều bài hát sinh hoạt cũng có, hát về lễ lượt, lửa trại cũng có, nhưng khổ nổi, có lời nhạc có mà không có khuông nhạc nên tôi nói anh huynh trưởng, người đưa tôi quyển nhạc, không có nốt nhạc làm sao biết hát mà dạy cho các em? Không giấu các bạn, hồi đi học cấp hai, lớp sáu, lớp bảy gì đó, tôi có học môn Nhạc trong trường, về sau, có học organ một thời gian, giờ “cơm, áo, gạo, tiền”, mấy quyển tập nhạc trả thầy trả cô hết rồi, còn sót lại mấy nốt nhạc và khuông nhạc cộng với khóa sol, nhịp 2/4 là còn lại trong cái não trái nhỏ nhoi của tui, nên nếu nhìn thấy khuông nhạc, tui có thể đọc và tập tành hát được. Cho nên, có quyển bài hát cũng mừng mà đành phải đợi có người dạy hát. Các kỳ trại Hiếu sau, anh huynh trưởng có dạy các em một số bài hát trong tuyển tập nhạc đó, lúc đó tôi mới biết hát, thấy may quá, vẫn còn giữ tập bài hát năm nào.

Anh Đức Quảng- tôi không biết có nên gọi anh là nhạc sĩ hay nên gọi anh là ẩn sĩ nữa, anh sáng tác nhạc, nhưng tôi không thấy anh nhận mình là nhạc sĩ và chắc cũng ít người biết anh là nhạc sĩ. Cái cách anh tập hát cho chúng tôi có vẻ rất chuyên nghiệp, vì tôi cũng có biết chút ít về nhạc lý nên tôi có thể nhận biết được cái sự chuyên nghiệp đó, nếu bạn nào trong ban văn nghệ hông thấy như vậy thì bỏ qua cho tôi, nhưng mà tôi thấy nhận xét của mình hông quá đáng chút nào J Tôi chưa có dịp làm việc với những nhạc sĩ kể trên nhưng tôi có nhiều dịp tập văn nghệ và ban văn nghệ chúng tôi có nhiều buổi trình diễn các nhạc phẩm của anh Đức quảng, cho nên khi xem chương trình Dòng Nhạc Tỉnh Thức của Ngọc Huyền, tôi nghĩ ngay đến những bài hát của anh Đức Quảng, giá như những bài hát của anh cũng được giới thiệu trên này, rồi những bài hát của anh Chúc Linh, anh Thiệu nữa, được như vậy thì hay biết mấy!

Trong khi một số người Việt Nam khi nói chuyện hay chen vào một số từ ngữ tiếng nước ngoài (đôi khi tôi cũng bị phạm phải, xin lỗi các bạn!) và tên một số chương trình truyền hình Việt Nam có một vài từ ngữ nước ngoài, thì tên chương trình “Dòng Nhạc Tỉnh Thức”, một chương trình ở hải ngoại, lại có một cái tên không có lấy một từ tiếng nước ngoài nào mà nó đánh thức sự kết nối từ ngữ, chúng ta từng nghe một “dòng nhạc”, chúng ta từng tu học sự “tỉnh thức”, hai từ này kết hợp thành một cái tên “dòng nhạc tỉnh thức”. Tôi toàn xem được nửa chừng của chương trình, tôi coi nhằm lúc chương trình đang phát, chưa lần nào coi được từ đầu đến cuối, nhưng mà tôi thấy chương trình chủ yếu giới thiệu những bài hát về Phật giáo, về nụ cười an nhiên, về phút giây hiện tại, Ngọc Huyền dẫn chương trình cũng có dùng từ ngữ Phật học khi dẫn, chứng tỏ cô cũng có đọc qua kinh sách hay chí ít cũng có nghiên cứu Phật học, tôi xem chương trình rồi lại nghĩ, giá mà Ngọc Huyền mặc chiếc áo dài lam hay chương trình được dẫn bởi các anh chị em huynh trưởng. Ôi! Tôi đang Gia đình Phật tử hóa một chương trình âm nhạc.

Dù gì thì khi bắt gặp Dòng Nhạc Tỉnh Thức này, tôi thấy “tỉnh thức”, tự nhiên nhận ra dòng nhạc người áo lam chúng ta thường xuyên ca múa hát hò, biểu diễn khắp nơi- dòng nhạc Gia đình Phật tử, ở một góc độ nào đó- là “dòng nhạc tỉnh thức”. Bạn có đồng ý vậy không?

_(())_ Hạt cà phê ở Ashburn