Tiến trình một cuộc thám du ngắn ngày

Tiến trình một cuộc thám du ngắn ngày

Lưu Ly: Anh Hồng Tâm Nguyên Xưng Hùng (bút hiệu Lục Thiện Hoa) có sở trường về nghệ thuật (đặc biệt hội hoạ), là huynh trưởng cấp Tín, hiện đang sinh hoạt tại đơn vị GĐPT An Linh. Anh có những bài viết thuộc dạng nghiên cứu, sưu khảo rất có giá trị. Mảng đề tài về chuyên môn, văn nghệ, trại mạc, hội hoạ,… được anh khai thác khá nhiều. Nhân hôm nay là kỷ niệm Chu niên của đơn vị An Linh, Lưu Ly xin giới thiệu bài viết của anh Lục Thiện Hoa để các bạn có thêm tài liệu tham khảo.

I. Ý nghĩa:

Rút từ chữ “thám thính và du ngoạn”: Vừa đi vừa xem xét và ngắm cảnh, gọi là thám du.

II. Mục đích:

– Tìm hiểu một vùng địa danh: danh lam, thắng cảnh, biển, đảo… Phong tục, văn hoá địa phương, giao lưu sinh hoạt, thời tiết, tính tình bản dân.

– Được vận động làm rắn chắc cơ bắp, có cơ hội áp dụng chuyên môn, tập vượt sông, leo núi… tạo tình yêu quê hương, đất nước.

– Mở mang tầm mắt.

III. Nội dung:

Thám du hoặc trại ngắn ngày có 3 giai đoạn:

1. Chuẩn bị:

Phần Ban tổ chức:

– Xin phép cấp trên.

– Tiền trạm: Cử vài người đi tiền trạm, xin phép nơi đến. Tìm hiểu khu vực du ngoạn, đường giao thông, độc đạo hay nhiều đường từ nhiều nơi đến. Loại cờ, xe nào có thể đi được. Hỏi thăm giá cả các loại phương tiện, phong tục, tập quán, sông ngòi, ao hồ, núi đồi, giống cây đặc biệt, trái cây, sinh động vật… Các nghề sinh sống của dân địa phương, làng nghề chủ yếu, các tôn giáo đã có địa sở, các danh nhân lịch sử, văn hoá… xưa và nay. Khí hậu, chỗ tránh giông tố, sấm sét, bão lụt. Nơi thoáng mát, đẹp cho các em vui chơi.

– Chương trình: vui chơi, thăm viếng danh lam, thắng cảnh, đền thờ danh nhân, thăm vài nhân vật có uy tín, lão làng, các huynh trưởng và đoàn sinh trực tiếp trò chuyện, thăm làng nghề.

– Dụng cụ: Địa bàn, bản đồ, lều cọc, dây buộc, gậy, móc sắt, đèn phát sáng, đèn bấm, quẹt lửa, bếp gas, tập vở, bút, máy ảnh, máy quay phim, điện thoại di động (tối thiểu 2 điện thoại di động, nếu không có sẵn phải mượn hoặc đi thuê đem theo), dao, kéo, rìu, búa, vài cặp cờ đánh Morse…

– Cứu thương: y sĩ, bác sĩ theo phụ trách, bông băng, thuốc rửa vết thương, thuốc sát trùng, thuốc cấp cứu thông thường…

– Quà tặng: Cờ lưu niệm, tác phẩm nghệ thuật, đặc san, sách, bút, tài liệu, đồng hồ, cây giống,…

– Phương tiện: Đi xe cá nhân (xe đạp, xe gắn máy) hay mua vé tàu xe hoặc hợp đồng xe…

– Ẩm thực: nấu tập thể, từng đội, chúng, cá nhân đem theo, có nơi ủng hộ …

– Cộng các khoảng chi phí, chiết tính, thông báo cá nhân đóng góp.

– Báo vài số điện thoại di động mang theo cho cấp trên và ghi vài số điện thoại của các anh chị cấp trên.

– Lập cẩm nang từng vùng, nơi thám du. Mỗi vùng đến thăm có một cẩm nang. Hướng dẫn và giao trách nhiệm từng vùng. Đặt những câu hỏi gợi ý. Tập cho các em có ý kiến chủ định, nâng cao vốn sống (phê bình, góp ý từng cẩm nang sau mỗi vùng đến).

Phần cá nhân:

– Đồng phục, mũ, giày, còi, bút, số ghi chép là điều đương nhiên. Còn các vật dụng khác đem theo phải bảo đảm: khó bể, hư, rẻ tiền, thẩm mỹ. Không đem theo đồ dùng bằng sành, sứ, thuỷ tinh. Không đeo trang sức, đồ dùng đắt tiền. Một thứ có thể dùng vào nhiều việc.

Ví dụ:

– Một tô bằng kim loại có đường kính khoảng 20 cm, cao khoảng 6-8 cm, vừa dùng làm thau rửa mặt, làm tô đựng thức ăn, làm nồi nấu thức ăn, làm gối kê đầu…

– Chăn đắp

– Võng

– Quần áo ngủ, tắm, lót

– Đèn pin (đèn bấm)

– Quẹt lửa

– Áo mưa (kể cả mùa nắng) loại cánh dơi tiện hơn.

– Ngoài thức ăn mà thông báo đã quy định, mỗi cá nhân phải đem theo thức ăn (lương khô) tạm giải quyết 2 bữa ăn (thức ăn này có thể để qua được vài ngày sau).

– Dao cắt nhỏ – dùng cho sinh hoạt.

– Dầu gió và một ít bông băng, alcool, gừng, muối iốt, thuốc trị bệnh cá nhân.

– Kem đánh răng, xà bông tắm, xà bông giặt, kim, chỉ, nút.

– Chén, ca, muỗng, nĩa

– Máy ảnh, máy quay phim (nếu có).

Tất cả sắp gọn gàng vào một ba lô.

2. Thực hiện:

Tạo cho đoàn viên ghi nhận và về có thể kể lại cho bạn.

– Ghi nhận phong cảnh tổng thể: ranh giới, địa thế (chọn điểm cao quan sát, cho đoàn ngắm nhìn toàn cảnh). Sau đó cho đi vào từng phần: khí hậu, thảo mộc, đá quý, thổ sản, giao thông, dân số, phong tục.

– Tín ngưỡng: GĐPT ở đây mạnh hay yếu, ngày lễ đặc biệt, có bao nhiêu tôn giáo, các đoàn thể ngoài GĐPT…

– Văn hoá: Trường học, hội hè, các thứ tiêu khiển, di sản văn hoá, lịch sử, các nhà ái quốc, văn nhân, ca dao, tục ngữ, nhạc địa phương.

– Kinh tế: Nguồn lợi chính của dân, ngành nghề tiểu thủ công nghệ, tài nguyên…

– Thiệt hại do thiên tai hằng năm.

3. Tổng kết:

Cuối buổi sinh hoạt vòng tròn

– Thi trình bày những thu thập qua chuyến thám du: những gì un đúc được về tình Lam, kinh nghiệm lần sau, thêm bớt những gì, phê bình, kiểm điểm.

– Đánh giá từng nhóm, cá nhân, khen thưởng, tặng quà lưu niệm.

– Dọn vệ sinh nơi ở, tạ từ.

IV. Báo cáo:

Sau khi về báo cáo thành quả lên cấp trên, gồm 3 phần:

1. Phần tường thuật: bằng giọng văn vui tươi, tuần tự, rõ ràng, kèm theo phác hoạ, ảnh chụp, phim (nếu có).

2. Khảo sát: Ghi rõ những gì đã nhận thấy, cái gì đặc biệt, làm cho đoàn sinh thích thú, bổ ích, dẫn chứng bằng hình ảnh, phim, lời phát biểu của đoàn sinh.

– Tình cảm của địa phương với đoàn và ngược lại, dẫn chứng.

3. Xin chỉ huấn cấp trên.

Lục Thiện Hoa